I. TRƯỚC LỆNH THUYÊN CHUYỂN LINH MỤC
1. Lý do thuyên chuyển
Việc thuyên chuyển Linh mục được Đức Giám mục Giáo phận quyết định dựa trên thiện ích của giáo phận, của các giáo xứ và của chính linh mục.
① Theo nhu cầu chung và tổ chức của Giáo phận
- Bổ sung linh mục cho các giáo xứ đang thiếu hoặc cần đổi mới sự lãnh đạo. - Phân bổ linh mục phù hợp với nhu cầu đặc thù của mỗi nơi.
- Bổ nhiệm linh mục vào các trách vụ đặc biệt như: các trung tâm mục vụ hoặc hành hương, Tòa Giám mục, chủng viện, hoặc giáo điểm truyền giáo...
② Vì lợi ích thiêng liêng và mục vụ của linh mục hoặc giáo xứ
- Linh mục, nhất là linh mục trẻ, cần trải nghiệm các môi trường khác nhau (nông thôn và thành thị, giáo xứ ổn định hoặc nhiều khó khăn...).
- Với các linh mục cao niên, thuyên chuyển là cơ may làm mới đời sống ơn gọi và khơi lại nhiệt tình trước sứ vụ,.
- Nhằm đổi mới sinh hoạt giáo xứ và khuyến khích sự năng động mục vụ, Tránh tình trạng quản nhiệm quá lâu, làm sinh hoạt giáo xứ trì trệ, nhàm chán. - Nhiều giáo phận có quy định luân chuyển linh mục sau một thời gian phục vụ nhất định (5-7-10 năm).
2. Đón nhận quyết định thuyên chuyển
Quyết định của Đức Giám mục Giáo phận có tính chung cuộc, nhằm lợi ích cho toàn Giáo phận, dựa trên sự phân định của bề trên và những vị hữu trách. Vì thế:
- Linh mục cũng như giáo dân trưởng thành luôn đón nhận trong tinh thần vâng phục và hiệp nhất.
- Không bình luận, đánh giá hoặc phê phán quyết định của Bề trên Giáo hội.
- Không đệ đơn hoặc đồng ký đơn tập thể gửi Toà Giám mục xin giữ lại tại nhiệm sở hoặc xin đổi linh mục khỏi nhiệm sở.
- Không phản đối, không cản trở, và không để bị lôi kéo và tác động từ bên ngoài vào quyết định của giáo hội.
II. LÀM GÌ KHI CHA SỞ ĐƯỢC LỆNH THUYÊN CHUYỂN?
Khi biết tin Cha sở được thuyên chuyển, giáo xứ cần có thái độ trưởng thành, làm những việc cụ thể, để duy trì tình hiệp nhất và chuẩn bị cho giai đoạn chuyển tiếp cách êm đẹp:
① Cầu nguyện và cảm tạ
- Dâng lời cảm tạ Chúa vì những năm tháng Chúa đã ban cho giáo xứ vị mục tử này.
- Cầu nguyện cho cha sở cũ, cho cha sở mới, và cho toàn giáo xứ được ơn bình an trong giai đoạn chuyển tiếp.
② Giữ thái độ quân bình, tôn trọng
- Giữ sự điềm tĩnh và bác ái, phản ánh lòng tin tưởng vào an bài quan phòng của Thiên Chúa.
- Tránh bộc lộ cảm xúc thái quá khi nghe tin cha sở thuyên chuyển, như: vui mừng “phở lở” hoặc buồn rầu “đứt ruột”.
③ Tỏ lòng biết ơn cha sở cũ
- Chân thành cảm ơn, thăm hỏi, động viên, cầu chúc, khích lệ cha sở. - Đừng để những “ân oán” làm lu mờ công lao mục vụ của cha, Cũng không nên nhắc lại những sai sót, bất toàn, đụng chạm cũ với cha.
④ Hội đồng Mục vụ cộng tác trong việc chuyển giao
- Thỉnh ý cha sở cũ về các bước sắp xếp trước thuyên chuyển:
. Hoàn tất sổ sách tài chính và thanh toán các khoản tiền hoặc nợ còn tồn. . Nhắc nhau trả lại những gì đã mượn của cha: sách vở, vật dụng, tiền nong… . Tổ chức Thánh lễ Tạ ơn trong tinh thần đơn sơ phó thác.
. Giúp cha sở thu dọn đồ đạc, sách vở, chuyển đồ, chuẩn bị xe chuyên chở… - Tránh tổ chức tiệc linh đình, dễ gây chia rẽ hoặc hao tốn lãng phí.
III. CÁC VIỆC HỌ ĐẠO CẦN THU XẾP
Chuẩn bị cho việc chuyển giao giữa cha sở cũ và cha sở mới.
① Kiểm kê và phân định tài sản: Rà soát và lập danh sách cụ thể tất cả tài sản chung của họ đạo, bao gồm: nhà thờ với các vật dụng phụng vụ, nhà xứ và các cơ sở phụ cùng với trang thiết bị: bàn ghế, âm thanh, đàn, quạt, máy móc...
② Quản lý các sổ sách mục vụ: Tập hợp và kiểm tra sổ sách mục vụ, nhất là sổ bí tích, sổ chi-thu, các biên bản, sổ giáo dân, biên lai, chứng từ... Xin cha sở cũ chứng ký đầy đủ, nếu cần, trước khi bàn giao.
③ Tổng kết các loại quỹ: Kiểm tra, tổng kết và công bố công khai các quỹ chung của giáo xứ: quỹ chi-thu, quỹ xây dựng, bác ái, học bổng, các đoàn thể…
④ Phân định đất đai và các hồ sơ pháp lý: Xác minh ranh giới đất đai, cắm cột mốc các khu đất nhà chung, rà soát các chứng từ pháp lý, như: Giấy Chứng nhận Quyền Sử dụng Đất, Bằng khoán… Đặc biệt, cùng với cha sở cũ, giải quyết rõ ràng nhân sự riêng của cha đang cư ngụ hay làm việc trên đất họ đạo.
⑤ Hoàn thành các công trình còn dang dở: Nếu có thể, nỗ lực hoàn thành các dự án sửa chữa, xây dựng đang thực hiện để tránh dở dang… khi cha sở mới về xứ.
⑥ Tham dự buổi bàn giao chính thức: Cử đại diện xin được dự buổi họp: Cha sở cũ bàn giao tài sản và các hồ sơ mục vụ của giáo xứ cho Cha Quản hạt theo quy định của Giáo phận.
⑦ Bảo vệ tài sản trong thời gian chuyển tiếp: Cắt cử người đáng tin cậy trông coi và bảo vệ nhà xứ, tài sản chung và các cơ sở của giáo xứ trong giai đoạn “giao thời”, từ cha sở cũ rời nhiệm sở đến cha sở mới chính thức nhận chức.
IV. ĐÓN CHA SỞ MỚI & THÁI ĐỘ ĐỐI VỚI CHA SỞ MỚI
1. Đón Cha sở mới: Dưới đây là các việc cụ thể nên thực hiện:
① Đến chào và trình diện Cha sở mới: Ngay sau khi có quyết định rõ ràng việc thuyển chuyển, Hội đồng Mục vụ nên xin phép Cha sở cũ tổ chức một phái đoàn đại diện giáo xứ đến chào thăm Cha sở mới. Trong buổi gặp, giới thiệu sơ lược về họ đạo, và thân tình mời Cha mới đến tham quan trước khi nhận xứ. Cha sở cũ nên tạo điều kiện và hướng dẫn HĐMV thực hiện nghiêm túc việc này.
② Thống nhất với Cha mới các việc cần chuẩn bị: Khi đến thăm, Hội đồng Mục vụ nên bàn bạc với Cha sở mới các vấn đề và hình thức đón tiếp, như: ngày giờ nhận xứ, xe và đoàn đón rước, tổ chức Thánh lễ nhậm chức, sắp xếp chuyển đồ đạc của cha, chỗ ăn ở và làm việc, và lễ ra mắt giáo dân…
③ Bàn hỏi với Cha Quản Hạt: Liên hệ với Cha Quản Hạt để được hướng dẫn cụ thể về việc tổ chức Lễ Nhậm chức, tiệc đón mừng, khách mời, các chi phí liên quan, thủ tục bàn giao tài sản và sổ sách; đồng thời, cả việc chuẩn bị quà tặng và ngân quỹ tạ ơn Cha sở cũ.
④ Cư xử hài hòa và khôn ngoan: Giáo xứ cần tổ chức đón tiếp Cha sở mới trong bầu khí vui vẻ, thân tình, nhưng vẫn thể hiện lòng biết ơn và quý mến với Cha sở cũ. Tránh những phát ngôn dễ gây hiểu lầm hoặc vô lễ, như “Niềm vui nối tiếp niềm vui” hay “Chẳng đặng đừng mà đưa-đón”…
⑤ Vận động giáo dân tham dự đông đảo: Mời gọi bà con giáo dân tích cực tham dự Thánh lễ nhậm chức và tiệc đón tiếp cha sở mới để thể hiện lòng quý trọng, sự hiệp nhất và tình liên đới của giáo xứ.
⑥ Ký biên bản bàn giao và nhậm chức: Cử sẵn người đại diện Hội đồng Mục vụ để ký vào biên bản nhậm chức và chứng kiến việc bàn giao lại tài sản và các thứ hồ sơ giữa Cha Quản Hạt và Cha sở mới.
⑦ Chuẩn bị nơi ăn ở cho Cha sở mới: Dọn dẹp, chỉnh sửa, trang trí, sắm sửa đầy đủ bàn ghế, phòng làm việc, phòng ngủ, bếp núc, các vật dụng và các thiết bị cần thiết… cho Cha sở mới. Tạo sự đón tiếp chu đáo như “mối tình đầu”, để Cha cảm nhận được sự thân thiện và ấm áp của giáo xứ.
⑧ Xếp lịch “ra mắt” Cha sở mới: Trước tiên, cần báo cho cha giờ giấc thường nhật của họ đạo (giờ lễ, chuông trống). Kế đến, sắp xếp cho Hội đồng Mục vụ, các nhóm, các đoàn thể, các giới, giáo lý viên, ca đoàn… lần lượt đến trình diện với báo cáo các sinh hoạt của mình. Nên thực hiện việc ra mắt này trong những tuần đầu sau lễ nhậm chức.
⑨ Hỗ trợ Cha sở mới sớm hiểu biết về giáo xứ: Chọn 1-2 người có uy tín, hiểu biết, khách quan và ăn nói đàng hoàng, để túc trực ở nhà xứ một thời gian, sẵn sàng hỗ trợ Cha sở mới trong việc tìm hiểu giáo xứ, từ tổ chức, nhân sự, tài sản, các vấn đề của họ đạo… đến các vấn nạn đặc biệt. Việc này nhằm giúp Cha mới hiểu biết giáo xứ, chính xác và trong thời gian ngắn nhất, giúp tránh những thông tin sai lạc, thất thiệt, gây hiểu lầm và thành kiến từ cha mới.
2. Những ứng xử đẹp đối với Cha sở
Cần hướng dẫn và nhắc nhở cộng đoàn cư xử đúng đắn, giúp mối tương quan giữa cha sở và giáo dân được tốt đẹp ngay từ ban đầu:
① Chào hỏi thân thiện và mau mắn giúp đỡ: Mọi người nên vui vẻ, niềm nở chào hỏi Cha sở mới. Hãy cư xử thân thiện, kính trọng và sẵn sàng giúp Cha trong mọi việc khi cần thiết. Một lời chào, một nụ cười, một việc làm nhỏ cũng đủ để tạo nên thiện cảm ban đầu.
② Không vội khen chê hay đánh giá: Cha mới vừa đến, chưa quen và chưa làm việc, nên đừng vội đánh giá, khen chê hay phán xét. Hãy cho Cha thời gian để thích nghi và sống với cộng đoàn. Nên nhìn vào việc làm và chờ thời gian, để biết rõ hơn về cha: “Người sao việc vậy” và “Đường xa mới biết ngựa hay”.
③ Tôn trọng cả Cha mới lẫn Cha cũ: Trước mặt Cha sở mới, không nên quá lời khen ngợi ca tụng, cũng không được buông lời chê bai Cha sở cũ. Đừng quá tâng bốc hoặc ngầm chê trách Cha mới, khiến ngài khó xử. Cần giữ sự chừng mực, kính trọng và tế nhị trong lời nói khi nói về cha cũ cũng như cha mới.
④ Không đối lập tình cảm giữa hai vị linh mục: Thương mến Cha sở cũ là điều quý, nhưng đừng biến tình cảm ấy thành lý do để chối từ đón nhận Cha sở mới. Lòng trung thành và sự trưởng thành trong đức tin đòi giáo dân bảo vệ mối liên kết và thông hảo với/giữa hai vị mục tử.
⑤ Tôn trọng sự khác biệt cá nhân và mục vụ: Mỗi Cha sở có tính tình, cách sống và lối làm việc riêng. Đừng đòi Cha mới phải hoạt động giống Cha cũ. Không lấy cha cũ làm mẫu mực đánh giá cha mới. “Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười.” Cần nhớ, cha mới là vị chủ chăn hiện hành và có trách nhiệm quyết định về phụng vụ, về quản lý giáo xứ, về tổ chức sinh hoạt… theo cách của ngài.
⑥ Không mang tranh chấp, vấn nạn cũ, nhờ Cha mới phân xử: Những vấn nạn khó xử, mâu thuẫn hay bất đồng xảy ra trong thời Cha cũ, nên khép lại. Không nên lôi kéo Cha mới vào những tranh cãi cũ hoặc đòi Cha phân xử những điều chưa rõ ràng trước đây.
⑦ Giúp Cha sở mới làm quen với địa phương: Hội đồng Mục vụ nên sắp xếp để Cha sở mới sớm ra mắt các cấp chính quyền địa phương. Đồng thời, giúp Cha hoàn tất các thủ tục hành chánh và đăng ký viễn thông : hộ khẩu, điện thoại, internet, truyền hình… để ổn định sinh hoạt.
⑧ Tổ chức những buổi dùng cơm thân mật tại các khu xóm: Mỗi khu xóm nên mời Cha mới đến dùng cơm tại một gia đình tiêu biểu, có đại diện các hộ trong khu cùng dự phần. Đây là dịp để Cha gần gũi, làm quen với các gia đình một cách thân tình, nhẹ nhàng và mau chóng.
⑨ Tế nhị khi nói về Cha sở mới với Cha sở cũ: Nếu có dịp đến thăm cha cũ, không “nhiều chuyện” về giáo xứ “thời mới”, đừng kể những sắp xếp tổ chức khác với “trước đây”, nhất là những khó khăn hay khuyết điểm của Cha mới. Không so sánh hai vị mục tử cũ-mới để tránh gây mâu thuẫn, chia rẽ, hiểu lầm hay tổn thương cho bất kỳ ai. Lòng yêu mến đòi buộc duy trì sự hiệp nhất.
⑩ Tôn trọng và bảo tồn những thành quả của các cha tiền nhiệm: Dù cha sở cũ đã rời nhiệm sở và không còn trách nhiệm, nhưng những công trình, di tích hay dấu ấn mục vụ của ngài vẫn mang nhiều giá trị tinh thần đối với giáo dân. Vì thế, khi có ý định thay đổi, di dời, tu sửa, bán buôn, hoặc loại bỏ những thành quả đó, cha sở mới và Hội đồng Mục vụ cần thận trọng, tế nhị và nên trình bày rõ lý do (cả xin đồng thuận của ngài), để thể hiện sự trân trọng đối với quá khứ và tránh được những hiểu lầm, tổn thương hoặc phản đối từ những người còn gắn bó với các kỷ niệm.
* Lời cuối: Sau cuộc thuyên chuyển:
- Với giáo dân: Cách đối xử với Cha sở mới chính là thước đo lòng yêu mến Cha sở cũ: Đón nhận, trân trọng và cộng tác với Cha mới là cách đẹp nhất để tri ân và làm rạng danh Cha cũ. Ngược lại, nếu khước từ, chê bai hay chống đối Cha mới là làm tổn thương uy tín của Cha sở cũ.
- Với Cha sở mới: Trân trọng Cha tiền nhiệm chính là chìa khóa để được giáo dân nể phục, yêu mến và sẵn lòng cộng tác.